Cây mơ là gì ?
Tên khoa học/ tên khác
Dựa vào sản phẩm chế biến ra, người ta còn gọi cây mơ bằng một số cái tên như: ô mai, hạnh khổ nhân, mai. Người Pháp gọi loại cây này là abricot, trong khí đó dân tộc Thái (Việt Nam) lại hay gọi cây là má pheng.
Giống cây này thuộc họ Hoa hồng Rosaceae, tên khoa học là Prunus armeniaca L.
Từ cây mơ, chúng ta thu được các vị thuốc sau:
Khổ hạnh nhân: Hay còn được biết đến là hạt khô của cây mơ.
Nước cất hạt mơ.
Ô mai: Quả của cây được đem đi ướp, tẩm, phơi khô.
Dầu hạnh nhân: Loại dầu được chiết xuất từ hạt quả mơ.
Trong bài viết này chúng ta sẽ đi tìm hiểu sâu về vị thuốc ô mai.
Mô tả cây
Chiều cao trung bình của cây mơ dao động từ 4 đến 5m. Lá cây có hình bầu dục, mép răng cưa nhỏ, phần đầu lá thuôn nhọn. Thời gian trổ hoa là vào mùa đông, khoảng tháng 12, tháng 1. Hoa có màu trắng tinh hoặc hơi hồng, cho quả vào tháng 3 tháng 4, màu vàng xanh. Quả dầy thịt, chua. Tại miền Bắc, một số tỉnh có loài song mai, mỗi đốt mọc 2 quả.
Mọc chủ yếu ở đâu?
Hiện nay, cây mơ phát triển theo cả 2 hình thức: mọc hoang và trồng. Nhiều nhất phải kể đến vùng Hà Tây cũ, cận chùa Hương, tiếp đến là các vùng như Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An,.. Hầu như tỉnh thành nào cũng có. Trong phạm vi khu vực, cây xuất hiện nhiều ở các quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản,..
Thành phần hóa học
Thịt quả mơ bao gồm các thành phần chủ chốt sau: 2,5% axit (axit xitric, axit tactric), 27% đường (đa phần là sacaroza), tỷ lệ nhỏ dextrin, tinh bột, quercetin, isoquercetin, carotene, lycopene, vitamin C, …
Trong khi đó, nhân hạt mơ lại chứa đến 30 – 40% chất dầu (thành phần chính là axit oleic và axit linoleic) và 3% amygdalin, men emulsin (bao gồm 2 loại: amylaza và proteaza).
Công dụng của ô mai
Ô mai là vị thuốc có vị chua, tính bình, mát, có tác dụng đặc biệt hiệu quả trong việc giảm ho, chữa đau rát họng. Người ta thường dùng vị thuốc này khi vướng phải các vấn đề như: ho lâu ngày, ho liên tục, cổ họng sưng đau, viêm họng, viêm amidan,..
Ngoài ra, những người khô háo, mệt mỏi cũng nên dùng vị thuốc này.